Vũ Hán, thành phố miền trung Trung Quốc là tâm điểm bùng phát của dịch viêm phổi gây ra bởi virus corona 2019-nCoV, ít được thế giới biết đến kể từ một tháng trở lại đây. Tuy nhiên, sự lây lan của chủng virus gây chết người này, đến nay đã rộng hơn cả dịch SARS năm 2003, đã thu hút sự chú ý của quốc tế đối với thành phố hơn 11 triệu người. Tính tới ngày 3/2, tổng số người chết do nCoV đã tăng lên 362, trong khi số người dương tính là hơn 17.000.
Khi các chính quyền tìm cách cách ly công dân của họ và các hãng hàng không tạm hoãn các chuyến bay tới Trung Quốc đại lục, có một nhóm khác cũng rất nhạy cảm về tình hình Vũ Hán trước đợt bùng phát: các công ty đa quốc gia.
Hơn 300 trong số top 500 công ty hàng đầu thế giới có mặt ở thành phố này, bao gồm Microsoft, Siemens và hãng ôtô Pháp PSA. Tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán, có GDP 595 tỷ USD năm 2018 – không cách biệt quá xa so với sản lượng kinh tế của London, và lớn gấp 3,5 lần so với Hungary, gấp đôi Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, khu vực này đã trở thành trung tâm phát triển của các công ty công nghệ và đặc biệt là các hãng ôtô, làm dấy lên lo ngại rằng virus có thể có ảnh hưởng xấu tới kinh tế toàn cầu khi thành phố này bị phong toả.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ phải chịu tác động nhiều hơn từ khủng hoảng của người Trung Quốc so với sự bùng phát của dịch SARS năm 2003, ước tính đã gây thiệt hại khoảng 50 tỷ USD đối với kinh tế thế giới.
Vũ Hán là địa bàn hoạt động của 10 nhà máy ôtô, với các ông lớn như Honda, Renault, PSA và General Motors điều hành. Ngành công nghiệp ôtô chiếm 20% kinh tế Vũ Hán và sử dụng 200.000 lao động trực tiếp, hơn một triệu lao động gián tiếp. Theo dữ liệu từ IHS Markit, các nhà sản xuất ôtô ở Vũ Hán hy vọng sẽ sản xuất 1,6 triệu xe trong năm nay, đóng góp 6% tổng sản lượng của Trung Quốc.
Honda và PSA (hãng sản xuất Peugeot và Citroen) đều có 3 nhà máy ở Vũ Hán. Honda sản xuất khoảng 600.000 xe một năm tại Vũ Hán, chiếm gần một nửa tổng công suất của Honda ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan ngại về việc virus có ảnh hưởng như thế nào tới các công ty này nếu họ bắt buộc phải ngưng hoạt động khi kỳ nghỉ Tết nguyên đán kết thúc vào ngày 3/2.
Ngày 27/1, Toyota thông báo sẽ cho ngừng sản xuất bốn nhà máy của hãng này ở Trung Quốc cho tới ít nhất là 9/2, do virus đe dọa thị trường tăng trưởng chủ chốt của nhiều công ty.
"Căn cứ vào các yếu tố khác nhau bao gồm hướng dẫn của chính quyền địa phương và khu vực, và tình hình cung ứng phụ tùng, ngày 29/1, chúng tôi quyết định sẽ cho dừng sản xuất các nhà máy ở Trung Quốc cho tới ngày 9/2", Maki Niimi, phát ngôn viên của Toyota cho biết.
Công nhân làm việc tại nhà máy Hondao ở Vũ Hán. Ảnh: Reuters, tháng 4/2019 |
Khi được hỏi liệu chuỗi cung ứng của Toyota có bị ảnh hưởng trong dịch cúm, Niimi nói rằng "bởi chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp ôtô rất lớn và nhiều loại bộ phận, linh kiện được sử dụng, rất khó để có bình luận cụ thể".
Các nhà phân tích ôtô cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá thiệt hại tiềm tàng đối với ngành công nghiệp ôtô do dịch cúm Vũ Hán. Họ cũng chỉ ra rằng các ảnh hưởng trong ngắn hạn của dịch SARS ở Trung Quốc năm 2003 là một so sánh rất khập khiễng bởi thị trường ôtô khi đó nhỏ hơn hiện nay rất nhiều.
Khu vực này cũng là khu vực tăng trưởng trọng điểm trong lĩnh vực công nghệ và đang trong quá trình chuyển đổi thành các ngành công nghiệp công nghệ cao hơn trong vài năm gần đây.
Trong 2019, một báo cáo của Milken Institute đã xếp Vũ Hán là thành phố tốt thứ chín của Trung Quốc, tăng bảy bậc so với năm trước. Báo cáo cũng lưu ý rằng thành phố này đang tiến vào các địa hạt mới như sản xuất chip và y sinh học và đã thu hút được các khoản đầu tư từ 230 trong số 500 công ty, tập đoàn hàng đầu thế giới tính theo doanh số (Fortune Global 500).
Siemens và Xiaomi - các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc - có cơ sở sản xuất ở Vũ Hán trong khi Apple có hai nhà cung ứng.
Giám đốc tài chính của Apple Luca Maestri hôm 28/1 cho biết "sự bất ổn" xung quanh đợt bùng phát của corona virus trong chuỗi cung ứng của hãng này đã buộc Apple phải nới rộng biên độ doanh thu của hãng trong quý I/2020 tới 4 tỷ USD, ở vào khoảng 63-67 tỷ USD.
"Tình hình đang diễn tiến, và rất mới", Maestri nói. "Đó là lý do chúng tôi đặt biên rộng hơn trong hướng dẫn doanh thu (revenue guidances)".
Hồ Bắc, tỉnh có thủ phủ là Vũ Hán, xếp hạng 4 trong 169 vùng công nghệ cao cấp quốc gia của Trung Quốc, theo đánh giá của bộ khoa học và công nghệ nước này. Các công ty có trụ sở ở Mỹ có 44 nhà máy ở tỉnh này trong khi các hãng châu Âu có 40, theo cơ sở dữ liệu cung ứng của Bloomberg.
Các nhà phân tích tại Jefferies nói rằng các biện pháp "hà khắc" nhằm đóng cửa Vũ Hán và áp đặt lệnh cấm du lịch qua Hồ Bắc "là biện pháp đảm bảo tốt nhất khi cơ sở vật chất chăm sóc y tế đang hoàn toàn quá tải".
Tuy nhiên, ở vùng đất được coi là "Chicago của Trung Quốc" do mạng lưới giao thông trải rộng, các nhà phân tích cho rằng việc hạn chế du lịch "tượng trưng cho gót chân Achilles của nền kinh tế trong cuộc chạy đua ngắn".
Họ cũng thêm rằng hậu quả không mong muốn khác có thể nảy sinh từ đợt virus là đầu cơ tích trữ. "Cú sốc của chuỗi cung ứng bị đứt đoạn chắc chắn sẽ dẫn tới việc các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh ‘tích trữ’ để đề phòng bất trắc khi giao thông bị hạn chế.
Virus buộc các hãng hàng không phải ngừng bay, các nhà sản xuất tạm ngưng sản xuất và chuỗi thực phẩm đóng cửa trên khắp Trung Quốc.
British Airway đã hoãn toàn bộ chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trong "vài ngày tới". Starbucks đóng cửa 2.000 cửa hàng ở Trung Quốc, báo trước báo cáo tài chính năm của hãng này sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch cúm chết người.
Các công ty khác dịch thuật như Facebook, HSBC, Standard Chartered và LG Electronics đã ngừng hoặc hạn chế cho nhân viên tới Trung Quốc. Hãng hàng không của Hong Kong Cathay Pacific đang cắt giảm chuyến bay tới Trung Quốc đại lục xuống còn một nửa và IKEA đã đóng cửa một nửa trong số 30 cửa hàng của hãng tại quốc gia này.
Trong khi đó, một số công ty vẫn ở lại. Hãng công nghệ Foxconn, chế tạo iPhone cho Apple, nói rằng các nhà máy của hãng ở Trung Quốc vẫn đóng cửa trong các ngày lễ và sẽ duy trì như vậy cho tới khi tất cả các doanh nghiệp trở lại với giờ làm việc bình thường.
Tuy nhiên, hãng cũng nhấn mạnh rằng hãng có các biện pháp thích hợp nhằm "đảm bảo rằng chúng tôi có thể tiếp tục đáp ứng được tất cả các nghĩa vụ sản xuất toàn cầu". Công ty này cũng cho biết đang "áp dụng tất cả các biện pháp vệ sinh cá nhân và sức khỏe được khuyến nghị tới mọi mặt của bộ máy vận hành trên thị trường bị ảnh hưởng".
Quy mô ảnh hưởng của đợt bùng phát virus vẫn còn chưa rõ rệt. Khi dịch cúm lan rộng, số ca tử vong tăng lên và các công ty đa quốc gia ngừng kinh doanh ở Trung Quốc. Lời đáp lại các sàn giao dịch phương Tây bị ràng buộc vào vấn đề thời gian - nhưng nếu tình hình trở nên xấu hơn, ảnh hưởng lên các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc như Vũ Hán có thể làm rung chuyển tình hình kinh doanh và thương mại trên toàn thế giới.
Mai Huyền (theo Telegraph )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét